Kế hoạch kiểm tra giữa học kì I năm học 2019-2020

Tên file: KH-KIỂM-TRA-GIỮA-HKI-2019-2020.doc
Tải về

PHÒNG GD & ĐT THỦ THỪA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TRƯỜNG TIỂU HỌC LONG THUẬN Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 342/KH-LT Long Thuận, ngày 9 tháng 10 năm 2019

KẾ HOẠCH KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ I
NĂM HỌC 2019 -2020

Căn cứ vào văn bản số 9832/BGD&ĐT ngày 01/9/2006 của Bộ GD&ĐT về việc Hướng dẫn phân phối chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học;
Căn cứ vào Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 Thông Tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014 ngày 28/8/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ kế hoạch số 321/KH-THLT, ngày 04/10/2019 của trường tiểu học Long Thuận về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020,
Trường Tiểu học Long Thuận xây dựng Kế hoạch kiểm tra giữa học kỳ I năm học 2019-2020 như sau:
I. Mục đích, yêu cầu:
1. Mục đích:
– Giúp HS kiểm tra khả năng nhận thức, kiến thức của mình, qua đó giúp các em định hướng mục tiêu và động cơ phấn đấu trong học tập và rèn luyện. Đồng thời giúp các bậc cha mẹ học sinh và thầy cô đánh giá đúng khả năng của các em để giúp đỡ, động viên các em phấn đấu trong thời gian tới.
– Giúp giáo viên đưa ra được phương pháp giảng dạy phù hợp, nâng cao chất lượng học sinh của mình.
2. Yêu cầu:
– Giáo viên tổ chức coi, chấm kiểm tra, nghiêm túc đúng Quy chế của ngành và quy định của nhà trường.
– Học sinh thực hiện đúng nội quy của nhà trường trong thời gian kiểm tra.
II. Tổ chức kiểm tra:
1. Đối tượng: Học sinh khối 4, khối 5.
2. Môn : Toán và Tiếng việt .
3. Kiến thức:
– Tiếng Việt 4,5: Nằm trong chương trình từ tuần 1 đến tuần 10.
– Toán 4, 5: Nằm trong chương trình từ tuần 1 đến tuần 10.
4. Hình thức: Tự luận và trắc nghiệm.
– Giáo viên chủ nhiệm các lớp ra đề, coi, chấm kiểm tra cho lớp mình.
– Tổ khối trưởng duyệt đề kiểm tra của thành viên tổ trước khi nộp cho Ban giám hiệu duyệt ( Mỗi lớp 01 đề kiểm tra cho lớp mình).
– Học sinh làm bài trên giấy A4 theo mẫu in sẵn và giấy tập học sinh theo quy định giấy kiểm tra. (Giáo viên tự photo đề kiểm tra. Tiền giấy kiểm tra do GVCN thu – chi từ học sinh đóng góp theo đúng nguyên tắc).
– Tiếng Việt (đọc tiếng): Giáo viên tổ chức kiểm tra trong tuần ôn tập.
– Toán, Tiếng việt đọc hiểu: HS làm bài trên giấy in sẵn.
– Tiếng việt (viết) học sinh làm bài trên giấy tập hoặc giấy kẻ ô li học sinh theo quy định giấy kiểm tra.
5. Thời gian làm bài, cách tính điểm:
5.1 Tiếng Việt:
– Bám sát các nội dung đã được tập huấn trong đợt bồi dưỡng chuyên môn về “Ra đề và thẩm định đề” qua đó đặc biệt chú ý các nội dung sau:
– Đảm bảo các mức độ nhận thức cần đạt trong đề kiểm tra:
+ Mức 1: Khoảng 20%
+ Mức 2: Khoảng 30%
+ Mức 3: Khoảng 40%
+ Mức 4: Khoảng 10%.
– Nội dung đề kiểm tra được xây dựng theo ma trận đã tập huấn, yêu cầu đảm bảo mức độ chuẩn kiến thức, kĩ năng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Nội dung kiểm tra theo từng khối lớp (dạng bài đọc thầm, đọc thành tiếng, chính tả, tập làm văn, số lượng câu hỏi theo từng phần, thời gian hoàn thành nội dung kiểm tra tham khảo Ma trận đề cuả Bộ Giáo dục và Đào tạo).
– Tỉ lệ điểm giữa các nội dung kiểm tra trong đề theo từng khối lớp.
5.2. Toán: Thời gian làm bài: 40 phút
5.2.1. Đối với các mạch kiến thức:
a) Số học (khoảng 50%): Củng cố về các vòng số và các phép tính trên các vòng số.
b) Đại lượng và đo đại lượng (khoảng 27%): tập trung về các bảng đơn vị đo.
c) Yếu tố hình học (khoảng 23%): Xoay quanh các hình trọng tâm trong chương trình đã học.
Lưu ý: Giải toán có lời văn được tích hợp vào trong ba mạch kiến thức trên với mức độ khác nhau, chủ yếu ở mức độ vận dụng.
– Lớp 4: tối đa 3 lời giải và 3 phép tính;
– Lớp 5: tối đa 4 lời giải và 4 phép tính.
5.2.2. Đối với mức độ nhận thức: (dựa vào Thông tư 22/2016)
– Mức 1: Nhận biết: khoảng 20%;
– Mức 2: Thông hiểu: khoảng 30%;
– Mức 3: Biết vận dụng giải quyết những vấn đề quen thuộc: khoảng 40%.
– Mức 4: Vận dụng giải quyết vấn đề mới: khoảng 10%.
5. 3. Ra đề kiểm tra theo ma trận
– Khung ma trận, mỗi ô trong khung nêu: Nội dung kiến thức, kĩ năng cần đánh giá; Hình thức các câu hỏi; Số lượng câu hỏi; Số điểm dành cho các câu hỏi
– Khung ma trận câu hỏi, mỗi ô trong khung nêu: Hình thức các câu hỏi; Số thứ tự của câu hỏi trong đề; Số điểm dành cho các câu hỏi.
(Tham khảo tài liệu tập huấn hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học môn Toán theo Thông tư 22/2016.)
Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kì không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác.
5.4. Đối với các lớp 1,2,3 và các môn còn lại đối với lớp 4, 5
Vào giữa học kì I, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kĩ năng để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức sau:
– Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
– Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
– Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
6. Đánh giá định kì về năng lực, phẩm chất
Vào giữa học kì I, giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào các biểu hiện liên quan đến nhận thức, kĩ năng, thái độ trong quá trình đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển từng năng lực, phẩm chất của mỗi học sinh, tổng hợp theo các mức sau:
a) Tốt: đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên;
b) Đạt: đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên;
c) Cần cố gắng: chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ.
7. Thời gian nộp đề kiểm tra:
– Giáo viên nộp đề kiểm tra cho TKT hạn cuối ngày 18/10/2019
– TKT nộp đề kiểm tra của khối mình cho Thầy Tiếp xét duyệt hạn cuối ngày 22/10/2019
8. Thời gian kiểm tra và chấm:
– Tiếng việt: + Đọc tiếng: 28/10/2019 đến khi hoàn thành.
+ Đọc hiểu: 29/10/2019.
+ Viết: 30/10/2019.
– Toán: ngày 31/10/2019
– Chấm kiểm tra: Giáo viên tự chấm và báo cáo kết quả cho TKT hạn cuối ngày 1/11/2019.
– Tổ trưởng tổng hợp báo cáo và nộp theo mẫu: 04/11/2019.
III. Tổ chức thực hiện:
– Phó Hiệu trưởng, các tổ khối trưởng triển khai kế hoạch đến các thành viên trong nhà trường nắm và thực hiện nghiêm túc nội dung trong kế hoạch.
– Tổ khối trưởng, giáo viên chủ nhiệm chịu trách trong việc ra đề, phân công coi, chấm kiểm tra.
Trên đây là kế hoạch kiểm tra giữa học kỳ I năm học 2019-2020 của Trường Tiểu học Long Thuận./.

Nơi nhận: HIỆU TRƯỞNG
– HT (b/c);
– Các TKT (thực hiện);
– Lưu VT, CM.