Những điểm mới cơ bản của Quy định đánh giá học sinh tiểu học
Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 là Thông tư Quy định đánh giá học sinh tiểu học bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/10/2020 và được áp dụng thực hiện theo lộ trình như sau:
1. Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
2. Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2.
3. Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3.
4. Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4.
5. Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5.
Những điểm mới cơ bản của Quy định đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT so với quy định về đánh giá học sinh tiểu học theo Thông 30/2014/TT-BGDĐTvà Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT, đó là:
1. Tại Điều 3. Bổ sung thêm về mục đích đánh giá:
” 5. Giúp các tổ chức xã hội nắm thông tin chính xác, khách quan, phát huy nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục.”
2. Tại Điều 5.
2.1. Nội dung đánh giá được điều chỉnh, bổ sung gồm có 05 phẩm chất chủ yếu; Về năng lực được phân ra “Những năng lực cốt lõi” và “Những năng lực đặc thù”.
2.2. Bổ sung thêm một số phương pháp đánh giá thường được sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh: Phương pháp quan sát; Phương pháp đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh; Phương pháp vấn đáp; Phương pháp kiểm tra viết.
3. Tại Điều 7. Đề kiểm tra định kỳ được thiết kế theo 04 mức thì nay được thiết kế theo 03 mức như sau:
– Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập;
– Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự;
– Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.
4. Tại Điều 9. Tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục
Trước đây việc đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo theo 3 mức, nay có 04 mức, bổ sung thêm mức “Hoàn thành tốt” đối với những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;
5. Tại Điều 12. Nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh
Trước đây, hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên cùng dạy trong lớp ra đề kiểm tra các lớp; Đối với học sinh lớp 5 (năm), hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kì cuối năm học chung cho cả khối.
Theo quy định mới, hiệu trưởng chỉ đạo các tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kỳ cho các khối lớp.
6. Tại Điều 13. Khen thưởng cuối năm học
Có thêm Danh hiệu Học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện sẽ trao cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.”
Đặc biệt, từ năm nay, “Cán bộ quản lý, giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt.”
Những điểm mới của Thông tư 27/2020/TT/BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học
Tên file: Nhung-diem-moi-TT27.docx
Tải về
Tải về