PHÒNG GD & ĐT THỦ THỪA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TRƯỜNG TIỂU HỌC LONG THUẬN Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 398/KH-THLT Long Thuận, ngày 6 tháng 12 năm 2019
KẾ HOẠCH KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I
NĂM HỌC 2019 -2020
Căn cứ Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học (Thông tư 30) và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 v/v Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư 22).
Căn cứ hướng dẫn số 1624/PGD&ĐT ngày 4 tháng 12 năm 2019 của Phòng GD&ĐT huyện Thủ Thừa về Hướng dẫn kiểm tra định kì cuối học kì I năm học 2019-2020 cấp tiểu học.
Căn cứ vào việc thực hiện nhiệm vụ năm học của trường Tiểu học Long Thuận.
Nay bộ phận chuyên môn xây dựng Kế hoạch kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2019 – 2020 như sau:
I. Mục đích, yêu cầu:
1. Đề kiểm tra: Hiệu trưởng chỉ đạo chuyên môn ra đề kiểm tra thống nhất cho các khối ( phân công soạn và duyệt đề ) với các yêu cầu sau:
– Thực hiện theo Thông tư 30 và Thông tư 22;
– Đảm bảo theo chuẩn kiến thức và kỹ năng của từng khối lớp;
– Chính xác và khoa học, đánh giá được kết quả thực chất của học sinh.
2. Việc chấm bài do giáo viên chủ nhiệm chấm:
– Thực hiện đánh giá và nhận xét theo quy định tại Thông tư 30 và Thông tư 22;
– Bài kiểm tra cuối kì được giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm và góp ý những hạn chế, cho điểm cuối cùng theo thang điểm 10 (mười), không cho điểm 0 (không) và điểm thập phân, bài kiểm tra trả lại cho học sinh.
Riêng giáo viên dạy bộ môn Tin học, tiếng Anh sẽ chấm bài lớp mình giảng dạy.
3. Kiểm tra cuối học kì I là công việc bình thường nhằm nắm bắt tình hình học sinh. Do đó, giáo viên không tạo áp lực cho cha mẹ học sinh và các em học sinh trước khi kiểm tra. Trong khi kiểm tra, giáo viên chủ nhiệm coi kiểm tra tại lớp mình phụ trách, tổ chức cho học sinh làm dưới dạng một bài kiểm tra bình thường, nhẹ nhàng, không gây căng thẳng. Khi chấm bài kiểm tra, giáo viên chủ nhiệm ghi nhận xét, lưu ý những hạn chế của học sinh trong quá trình làm bài, kèm theo lời nhận xét tường minh để giúp giáo viên và phụ huynh có cơ sở tập trung bồi dưỡng và rèn luyện cho học sinh trong học kì II.
II. Tổ chức kiểm tra:
1. Đối tượng: Học sinh từ khối 1 đến khối 5.
2. Môn kiểm tra: Toán và Tiếng việt cho tất cả các khối từ khối 1 đến khối 5.
Tiếng Anh, Tin học: khối 3,4,5.
Khoa học; Lịch sử và Địa lý : khối 4,5
3. Kiến thức: Nằm trong chương trình từ tuần 01 đến hết tuần 17.
4. Hình thức: Tự luận và trắc nghiệm.
Học sinh làm bài trên giấy do GVCN thiết kế trên đề kiểm tra hay giấy tập (Tiền photo do học sinh đóng góp theo lớp).
5. Đối với các môn kiểm tra cần bám sát những quy định tại điều 10 Thông tư 30 và Thông tư 22, cụ thể đối với từng môn cần lưu ý:
5.1. Môn Toán:
5.1.1. Thời gian làm bài:
– Lớp 1: 35 phút
– Lớp 2, 3, 4, 5: 40 phút
5.1.2. Đối với các mạch kiến thức:
a) Số học (khoảng 50%): Củng cố về các vòng số và các phép tính trên các vòng số.
b) Đại lượng và đo đại lượng (khoảng 27%): tập trung về các bảng đơn vị đo.
c) Yếu tố hình học (khoảng 23%): Xoay quanh các hình trọng tâm trong chương trình đã học.
Lưu ý: Giải toán có lời văn được tích hợp vào trong ba mạch kiến thức trên với mức độ khác nhau, chủ yếu ở mức độ vận dụng.
– Lớp 1: Nhìn mô hình điền phép tính;
– Lớp 2: 1 lời giải và 1 phép tính;
– Lớp 3: tối đa 2 lời giải và 2 phép tính;
– Lớp 4: tối đa 3 lời giải và 3 phép tính;
– Lớp 5: tối đa 4 lời giải và 4 phép tính.
5.1.3. Đối với mức độ nhận thức: (dựa vào Thông tư 22)
– Mức 1: Nhận biết: khoảng 20%;
– Mức 2: Thông hiểu: khoảng 30%;
– Mức 3: Biết vận dụng giải quyết những vấn đề quen thuộc: khoảng 40%.
– Mức 4: Vận dụng giải quyết vấn đề mới: khoảng 10%.
5.1.4. Ra đề thi theo ma trận
– Khung ma trận, mỗi ô trong khung nêu: Nội dung kiến thức, kĩ năng cần đánh giá; Hình thức các câu hỏi; Số lượng câu hỏi; Số điểm dành cho các câu hỏi;
– Khung ma trận câu hỏi, mỗi ô trong khung nêu: Hình thức các câu hỏi; Số thứ tự của câu hỏi trong đề; Số điểm dành cho các câu hỏi.
(Tham khảo tài liệu tập huấn hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học môn Toán theo Thông tư 22.)
5.2. Môn Tiếng Việt:
– Bám sát các nội dung đã được tập huấn trong đợt bồi dưỡng chuyên môn về việc “Ra đề và thẩm định đề” qua đó đặc biệt chú ý các nội dung sau:
– Đảm bảo các mức độ nhận thức cần đạt trong đề kiểm tra:
+ Mức 1: Khoảng 20%
+ Mức 2: Khoảng 30%
+ Mức 3: Khoảng 40%
+ Mức 4: Khoảng 10%.
– Nội dung đề kiểm tra được xây dựng theo ma trận đã tập huấn, yêu cầu đảm bảo mức độ chuẩn kiến thức, kĩ năng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Nội dung kiểm tra theo từng khối lớp (dạng bài đọc thầm, đọc thành tiếng, chính tả, tập làm văn, số lượng câu hỏi theo từng phần, thời gian hoàn thành nội dung kiểm tra tham khảo Ma trận đề cuả Bộ Giáo dục và Đào tạo).
– Tỉ lệ điểm giữa các nội dung kiểm tra trong đề theo từng khối lớp.
5.3. Môn Khoa học, Lịch sử & Địa lý
– Khoa học: Kiểm tra cho điểm cuối HK1 và cả năm;
– Lịch sử & Địa lý: Kiểm tra cho điểm cuối HK1 và cả năm. Mỗi phân môn chiếm 50% số lượng kiến thức của bài kiểm tra.
5.3.1. Xác định hình thức đề kiểm tra
– Đề kiểm tra (viết) có các hình thức sau:
+ Đề kiểm tra tự luận;
+ Đề kiểm tra trắc nghiệm khách quan;
+ Đề kiểm tra kết hợp cả hai hình thức trên: có cả câu hỏi dạng tự luận và câu hỏi dạng trắc nghiệm khách quan.
– Mỗi hình thức đều có ưu điểm và hạn chế riêng nên cần kết hợp một cách hợp lý các hình thức sao cho phù hợp với nội dung kiểm tra và đặc trưng môn học để nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện để đánh giá kết quả học tập của học sinh chính xác hơn.
– Có thể soạn đề kiểm tra kết hợp hai hình thức: phần trắc nghiệm khách quan độc lập với bài kiểm tra phần tự luận.
– Số lượng câu hỏi không quá 10 câu cho mỗi bài kiểm tra.
5.3.2.Thời gian làm kiểm tra: Từ 35 đến 40 phút.
5.3.3. Các yêu cầu đối với câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn:
– Câu hỏi phải đánh giá những nội dung quan trọng của chương trình;
– Câu hỏi phải phù hợp với các tiêu chí ra đề kiểm tra về mặt trình bày và số điểm tương ứng;
– Câu dẫn phải đặt ra câu hỏi trực tiếp hoặc một vấn đề cụ thể;
– Không nên trích dẫn nguyên văn những câu có sẵn trong sách giáo khoa;
– Từ ngữ, cấu trúc của câu hỏi phải rõ ràng và dễ hiểu đối với mọi học sinh;
– Mỗi phương án nhiễu phải hợp lý đối với những học sinh không nắm vững kiến thức;
– Mỗi phương án sai nên xây dựng dựa trên các lỗi hay nhận thức sai lệch của học sinh;
– Đáp án đúng của câu hỏi này phải độc lập với đáp án đúng của các câu hỏi khác trong bài kiểm tra;
– Phần lựa chọn phải thống nhất và phù hợp với nội dung của câu dẫn;
– Mỗi câu hỏi chỉ có một đáp án đúng, chính xác nhất;
– Hạn chế đưa ra phương án “Tất cả các đáp án trên đều đúng” hoặc “không có phương án nào đúng”.
5.3.4. Các yêu cầu đối với câu hỏi tự luận:
– Câu hỏi phải đánh giá nội dung quan trọng của chương trình;
– Câu hỏi phải phù hợp với các tiêu chí ra đề kiểm tra về mặt trình bày và số điểm tương ứng;
– Câu hỏi yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức vào các tình huống mới;
– Câu hỏi thể hiện rõ nội dung và cấp độ tư duy cần đo;
– Nội dung câu hỏi đặt ra một yêu cầu và các hướng dẫn cụ thể về cách thực hiện yêu cầu đó;
– Yêu cầu của câu hỏi phù hợp với trình độ và nhận thức của học sinh;
– Yêu cầu học sinh phải hiểu nhiều hơn là ghi nhớ những khái niệm, thông tin.
5.4. Môn Tin học
5.4.1. Thời gian làm bài kiểm tra:
Bài kiểm tra tin học được tiến hành trong thời gian một tiết học (35 phút), với 30% thời gian cho bài tập lý thuyết và 70% cho bài tập thực hành.
5.4.2. Đề kiểm tra:
Giáo viên tin học dạy khối lớp nào thì ra đề kiểm tra cho khối lớp đó, mỗi khối chuẩn bị ba đề kiểm tra và cho tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên một trong các đề kiểm tra này.
Đề kiểm tra bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn tin học, đề kiểm tra bao gồm hai phần: cho phần lý thuyết và cho thực hành.
Khuyến khích ra đề kiểm tra lý thuyết dưới dạng trắc nghiệm, có thể sử dụng các phần mềm tạo trắc nghiệm để chuẩn bị sẵn cho học sinh làm bài trắc nghiệm ngay trên máy tính.
Đề kiểm tra thực hành bảo đảm có nhiều dạng bài tập từ cơ bản (Thực hành theo mẫu cho sẵn) đến nâng cao (Thực hành sáng tạo).
5.4.3. Đánh giá:
Kết quả kiểm tra là kết quả tổng cộng từ hai phần lý thuyết và thực hành với tỉ lệ 50% lý thuyết và 50% thực hành.
Thực hiện đánh giá và nhận xét theo quy định tại Thông tư 30 và Thông tư 22.
5.5. Môn Tiếng Anh:(Tăng cường TA- TA tự chọn- TA đề án)
Trường chủ động sắp xếp thời gian kiểm tra cuối học kì I.
5.5.1. Nội dung kiểm tra:
– Nội dung đề kiểm tra cần đáp ứng theo yêu cầu của khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Bộ GD&ĐT và tiệm cận với các chuẩn đánh giá quốc tế (Cambridge hoặc TOEFL Primary).
– Học sinh lớp 3,4,5 đề kiểm tra được soạn trên ngữ liệu của sách Tiếng Anh 3,4,5; Học sinh lớp 1,2 học tiếng Anh tăng cường đề kiểm tra được soạn trên ngữ liệu của sách UK English Program.
Riêng lớp 1,2 giáo trình UK English Program, Văn phòng VPBox sẽ gửi đề kiểm tra đến trường tổ chức giảng dạy trong học kì I năm 2019-2020.
5.5.2. Thời gian làm bài kiểm tra:
Bài kiểm tra cuối học kì I môn tiếng Anh được kiểm tra 04 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết. Các trường chọn 1 trong 2 hình thức kiểm tra tiếng Anh trên giấy hoặc kiểm tra trực tuyến (online). Riêng kĩ năng nói giáo viên kiểm tra theo các tiết dạy trên lớp.
5.5.3. Đề kiểm tra:
a) Mức độ đánh giá đối với học sinh chương trình Tiếng Anh theo giáo trình UK English Program:
– Lớp 1: độ khó tối đa của đề kiểm tra cuối học kì I đạt chuẩn 1/15 khiên của mức độ STARTERS
– Lớp 2: độ khó tối đa của đề kiểm tra cuối học kì I đạt 1 trong các chuẩn sau:
5/15 khiên của mức độ STARTERS
1 sao/TOEFL Primary Step 1.
b) Mức độ đánh giá đối với học sinh chương trình Tiếng Anh tự chọn và Đề án (4 tiết/tuần) HK1:
– Lớp 3: độ khó tối đa của đề kiểm tra cuối học kì I đạt 1 trong các chuẩn sau:
8/15 khiên của mức độ STARTERS
2 sao/TOEFL Primary Step 1.
– Lớp 4: độ khó tối đa của đề kiểm tra cuối học kì I đạt 1 trong các chuẩn sau:
12/15 khiên của mức độ STARTERS
3 sao/TOEFL Primary Step 1.
1 hiệu / TOEFL Primary Step 2
– Lớp 5: độ khó tối đa của đề kiểm tra cuối học kì I đạt 1 trong các chuẩn sau:
8/15 khiên của mức độ MOVERS
2 huy hiệu/TOEFL Primary Step 2.
c) Tỉ lệ ra đề kiểm tra đối với các khối lớp
– Lớp 3:
+ Listening: 16 câu (40%)
+ Reading : 8 câu ( 20%)
+ Writing: 8 câu ( 20%)
+ Speaking: 8 câu ( 20%)
– Lớp 4:
+ Listening: 14 câu (35%)
+ Reading : 10 câu ( 25%)
+ Writing: 8 câu ( 20%)
+ Speaking: 8 câu ( 20%)
– Lớp 5:
+ Listening: 10 câu (25%)
+ Reading : 10 câu ( 25%)
+ Writing: 10 câu ( 25%)
+ Speaking: 10 câu ( 25%)
Lưu ý: đối với lớp 4:
– Phần nghe giao động từ 30% – 35% nên nếu giáo viên thiết kế 30% là 12 câu, nếu 35% là 14 câu.
– Phần đọc và viết giao động từ 45%-50% nên nếu giáo viên thiết kế 45% là 18 câu, nếu 50% là 20 câu.
5.5.4. Đánh giá:
Kết quả kiểm tra là kết quả trung bình cộng từ 04 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Lưu ý chung: Khi đánh giá giáo viên cần tham khảo bảng tham chiếu chuẩn đánh giá cuối học kì I các môn học của từng khối lớp theo tài liệu hướng dẫn của Thông tư 22.
6. Thời gian và địa điểm:
– Giáo viên chủ nhiệm nộp đề kiểm tra cho TKT hạn cuối ngày 12/12/2018 TKT tập hợp nộp cho BGH hạn cuối ngày 17/12/2019 cho Thầy Tiếp tại văn phòng.
– Riêng môn Tin học và Tiếng Anh nộp đề hạn cuối ngày 11/12/2019
– Đề kiểm tra nộp bằng văn bản và Email sau khi đã duyệt đề ở tất cả các khối.
– Tin học và Tiếng Anh: kiểm tra trong tuần 17 ( từ 16/12/2019 đến 20/12/2019 theo thời khóa biểu của từng lớp) giáo viên ra đề kiểm tra và in ấn bài kiểm tra.
– Lịch sử & Địa lý: 23/12/2019 GVCN coi và chấm kiểm tra.
– Khoa học: 24/12/2019. GVCN coi và chấm kiểm tra.
– Kiểm tra môn Toán: Sáng 25/12/2019.
– Kiểm tra môn Tiếng việt :
+ Đọc tiếng: Giáo viên cho học sinh kiểm tra trong tuần ôn tập
+ Đọc hiểu: 26/12/2019.
+ Viết: 27/12/2019
– GVCN làm bảng tổng hợp nộp cho TKT, TKT lập thành 1 file theo khối nộp BGH ngày 30/12/2019. (bằng văn bản và email)
– Giáo viên chủ nhiệm và các GV bộ môn tiếp tục hoàn thành chương trình học kỳ I.
– Ngày nghỉ giữa kì 1 của học sinh là ngày 30/12/2019
– Giáo viên nhập cơ sở dữ liệu hoàn thành trong ngày 30/12/2019
III. Tổ chức thực hiện:
Phó Hiệu trưởng, các tổ khối trưởng triển khai đến các thành viên trong nhà trường nắm và thực hiện nghiêm túc nội dung trong kế hoạch.
Trên đây là kế hoạch kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2019 – 2020 của Trường Tiểu học Long Thuận./.
Nơi nhận: HIỆU TRƯỞNG
– HT (b/c);
– Các TKT (thực hiện);
– Lưu VT.